www.esuhai.com
scroll top
Cảnh giác khi đăng ký dịch vụ điện thoại tại Nhật Bản

28/10/2019
966
Đăng ký dịch vụ điện thoại là việc làm rất cần thiết khi bạn đến Nhật sinh sống và làm việc. Tuy nhiên, đã có nhiều cá nhân lợi dụng việc bạn “chân ướt chân ráo” khi mới sang Nhật, chưa biết cách đăng ký, ngôn ngữ còn yếu,… để trục lợi và khiến bạn mất tiền oan uổng.

Mặc dù đã được trang bị kiến thức cũng như cảnh báo về vấn đề này, tuy nhiên không ít các bạn trẻ nói chung và học viên Esuhai tại Nhật nói riêng cũng đã mắc phải. Thông qua bài viết này, Esuhai sẽ cung cấp thêm cho bạn các trường hợp phổ biến đã xảy ra khi đăng ký dịch vụ điện thoại ở Nhật. Từ đó, có thể tránh được những hậu quả đáng tiếc.

Trường hợp 1:

Hai bạn thực tập sinh Dũng và Huy cùng là thực tập sinh ở một công ty tại Nhật. Trước đó Dũng có quen một người đồng hương tên X thông qua mạng xã hội facebook.

Dũng được X đưa đi làm điện thoại và đăng ký sim của hãng Docomo. Sau đó, Dũng sử dụng điện thoại bình thường, nhưng khoảng vài tháng sau cả Dũng và Huy đã nhận được giấy thông báo từ nhà mạng rằng: “Các bạn đã thông báo điện thoại bị hỏng, nhà mạng đã gửi điện thoại mới đến cho 2 bạn và cả 2 phải trả lại điện thoại hỏng về cho nhà mạng. Nếu không gửi trả trước hạn như quy định, nhà mạng sẽ cắt dịch vụ và phạt 80.000 Yên tiền đền điện thoại vì làm không đúng với hợp đồng”.

Bất ngờ trước sự việc trên, Dũng và Huy đã liên hệ với nhà mạng hỏi thông tin và nhắn tin cho X đồng thời Dũng cũng đã xin số điện thoại của X nhưng không nhận được sự hồi đáp.

Sau đó, Dũng đăng nhập vào tài khoản cá nhân thì phát hiện ID và mật khẩu của mình đã bị người khác sử dụng báo với nhà mạng là điện thoại bị hỏng. Và điện thoại mới đã được chuyển đến cho một người nào đó ở một địa chỉ lạ mà Dũng hoàn toàn không quen biết.

Chính vì thế, cả hai bạn Dũng và Huy buộc phải lựa chọn giải quyết theo 1 trong 2 hướng:

Một là gửi trả lại điện thoại đang sử dụng và đền 60.000 Yên tiền hủy hợp đồng. Hoặc, nếu không gửi trả, sẽ bị phạt 80.000 Yên gồm tiền điện thoại và hủy hợp đồng.

Mặc dù Dũng đã cùng người của công ty trình lên cảnh sát nhưng bị từ chối giải quyết vì đây là nghiệp vụ của hãng Docomo. Công ty cũng có đưa bạn lên văn phòng luật của quận, nhưng bạn vẫn phải chịu nhận bị phạt theo một trong hai cách trên. 

thuc-tap-sinh-nhat-ban-esuhai-kaizen-1

Trường hợp 2:

Tâm là thực tập sinh Esuhai khi sang Nhật có mang theo điện thoại di động, khi điện thoại bị hỏng, Tâm nhờ anh họ tên N là thực tập sinh năm 3 (không phải TTS của Esuhai) giới thiệu người đăng ký điện thoại giúp. N giới thiệu một người quen tên S trên mạng xã hội Facebook có kinh nghiệm làm hợp đồng điện thoại cho nhiều người trước đây và cũng khá uy tín.

Vào ngày 7/3/2019, Tâm cùng với N và S đến cửa hàng điện thoại ở Shinjuku làm hợp đồng điện thoại Iphone X. Trong lúc làm hợp đồng, N có việc phải đi nên chỉ còn Tâm và S.

Từ khoảng tháng 5, Tâm liên tục nhận được tin nhắn từ các số điện thoại lạ yêu cầu đổi mật khẩu facebook vì nhiều lý do khác nhau, kèm theo là đường link dẫn bên dưới.

Tâm chia sẻ đã có đôi lần nhấp vào link và nhập các thông tin như: ngày tháng năm sinh, số ID cá nhân.

Đến khoảng đầu tháng 9, anh họ N nhận được thông tin trên mạng xã hội có người sử dụng thẻ ngoại kiều của người khác để làm hợp đồng và đó chính là S, lúc này thì hai anh em rất lo lắng về hợp đồng của mình. Ngày 8/10/2019, hãng Docomo gửi giấy báo thanh toán cho Tâm với số tiền là 80.000 Yên.

Đến ngày 15/10/2019, Tâm đến hãng điện thoại ở gần nhà để xác nhận thông tin và đã được hãng điện thoại giải thích:

- Vào ngày 19/9/2019: có người sử dụng họ tên và thông tin ngày sinh, địa chỉ của Tâm (tại Tochigi) liên hệ đến trung tâm bảo hành điện thoại báo là điện thoại đã bị bể màn hình và muốn chuyển đổi lên Iphone XS.

- Ngày 26/9/2019: người đó tiếp tục liên hệ đến online shop rồi nhập mật khẩu, ID để nhận điện thoại (hãng điện thoại không yêu cầu chứng minh chính chủ như thẻ ngoại kiều), sau đó hãng đã gửi điện thoại Iphone XS về địa chỉ ở Ishikawa. Chính vì vậy, số tiền 80.000 Yên đó là số tiền phí đổi điện thoại.

Cùng lúc đó, Tâm nhận thêm hóa đơn thanh toán hơn 140.000 Yên nữa với lý do phải bồi thường hủy hợp đồng giữa chừng. Tâm đã giải thích người làm mới hợp đồng, không phải là mình nên hãng điện thoại khuyên bạn nên báo công an.

Trong trường hợp này, hãng điện thoại cũng có lỗi về việc không xác nhận các thông tin chính chủ mà đã gửi điện thoại nên đã đưa ra phương án giải quyết là Tâm phải gửi trả điện thoại bạn đang sử dụng như là điện thoại bạn bị hư và họ sẽ gửi lại cho bạn điện thoại IphoneXS với điều kiện bạn vẫn phải chịu các chi phí như trong hóa đơn.

(*Tên các nhân vật đã được thay đổi)

Trên đây đều là những trường hợp khá phổ biến mà nhiều bạn Thực tập sinh gặp phải, đây là một bài học thực tiễn để các bạn cảnh giác hơn với những đối tượng môi giới, giới thiệu hay hỗ trợ mà mình không quen biết rõ. Đặc biệt, bản thân mỗi người cần lưu ý bảo vệ các thông tin cá nhân như: ngày tháng năm sinh, tài khoản, mật khẩu,…để tránh các đối tượng xấu lợi dụng, đánh cắp để trục lợi và gây những thiệt hại mà bạn phải gánh chịu. 

Vậy làm cách nào để đăng ký dịch vụ điện thoại tại Nhật và phòng tránh các trường hợp trên. Mời các bạn đón đọc bài viết: Đăng ký sim và điện thoại tại Nhật như thế nào để tránh bị lừa đảo?

các tin khác