www.esuhai.com
scroll top
Đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, không đơn thuần là tạo việc làm...

01/07/2020
541
"10 năm tới, các đầu tư nước ngoài sẽ vào VN nhiều hơn. Những lao động tham gia XKLĐ hiện giờ có thể trở thành nhân sự chủ chốt, quản lý để tiếp tục đóng góp vào nguồn nhân lực của nước nhà...".

Đây là ý kiến của chuyên gia tại Hội thảo lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng (sửa đổi). Chương trình do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức ngày 29/6 tại Vĩnh Long.

Đến dự và chủ trì Hội thảo có ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; ông Lưu Thành Công - Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Long; ông Nguyễn Gia Liêm - Phó Cục trưởng Cục quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành tỉnh Vĩnh Long và các tỉnh tại ĐBSCL. Theo các chuyên gia tại Hội thảo, ngoài việc bảo hộ quyền làm việc của công dân, điểm mấu chốt của các nội dung sửa đổi bổ sung lần này về Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng là nhằm tạo môi trường minh bạch, thông suốt và đồng bộ cho hoạt động đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Đồng thời, việc giảm chi phí và bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người lao động đi làm việc ở nước ngoài như việc quy định minh bạch thông tin đối với các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ và bãi bỏ một số điều về phí môi giới và sửa đổi bổ sung quy định về chia sẻ phí dịch vụ của người sử dụng lao động đối với người lao động.

Anh Huỳnh Hoàng Nam - người từng xuất khẩu lao động tại Nhật năm 2014

Về cơ bản, dự thảo Luật (sửa đổi) không mở rộng phạm vi điều chỉnh. Tuy nhiên, dự án Luật đã bổ sung hình thức người lao động đi làm việc ở nước ngoài thông qua đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương để thực hiện các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế...

Tại Hội thảo, đại diện các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài đã nêu ý kiến đóng góp.

Ông Lê Long Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Esuhai

Ông Lê Long Sơn - Giám đốc Công ty TNHH Esuhai, cho rằng, các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này không chỉ dừng lại việc xuất khẩu lao động, mà còn định hướng lâu dài trong tương lai.

Những lao động tham gia xuất khẩu có thể trở thành những nhân sự chủ chốt, quản lý, chuyên gia, chuyên môn kỹ thuật để tiếp tục đóng góp vào nguồn nhân lực của nước nhà.

“Bởi vì 5 năm, 10 năm tiếp theo, có thể các đầu tư nước sẽ vào Việt Nam và khi đó nhân sự quản lý, nhân sự chuyên gia lành nghề, biết ngoại ngữ, biết văn hóa của các quốc gia như: Nhật, Hàn Quốc, Đài Loan,… Lúc đó, những người xuất khẩu lao động này sẽ đảm nhiệm nguồn lực kế thừa đó”, ông Sơn nêu ý kiến.

Cũng theo ông Sơn, Bộ luật cần phải xem xét, đưa thêm những điều khoản nhằm khuyến khích, động viên các doanh nghiệp có tâm huyết, có chiến lực đào tạo nguồn nhân lực.

Không phải đào tạo cao đẳng, đại học là đủ mà người lao động phải ra các nước ngoài làm việc tại các nhà máy thì mới có giá trị kinh nghiệm thực tế để từ đó phát triển kinh tế, công nghiệp của đất nước.

Là người có 3 năm xuất khẩu lao động tại Nhật từ năm 2014, với những kinh nghiệm của mình, anh Huỳnh Hoàng Nam khi trở về nước đã có việc làm ổn định với thu nhập hàng tháng từ 800 USD đến 1.000 USD.

Anh Nam chia sẻ, khi sang Nhật, anh đã tham gia lớp học tình nguyện. Mỗi tuần, anh Nam đều đến lớp để học tiếng Nhật, đồng thời học hỏi kinh nghiệm, chia sẻ của các anh chị bên Nhật.

“Nhờ vậy, khi trở về nước, tôi đã tìm được việc làm ổn định với thu nhập khá cao”, anh Nam gửi lời cảm ơn đến trung tâm giới thiệu việc làm đã giúp có được như ngày hôm nay.

Ông Bùi Thành Nhơn - GĐ Sở LĐ-TB & XH tỉnh Đồng Tháp

Ông Bùi Thành Nhơn - Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Đồng Tháp, chia sẻ kinh nghiệm, trước đưa lao động đi xuất khẩu tại nước ngoài, đại diện Sở cử người sang nước bạn để khảo sát công ty, chỗ ở… nên các lao động luôn đạt hiệu quả.

“Ngoài ra, đơn vị tuyển lao động sang nước ngoài làm việc thì luôn ưu tiên cho đôi vợ chồng, bởi khi cả 2 sang đó thì họ sẽ quyết tâm làm việc tốt nhất”, ông Nhơn nói.

Ghi nhận những góp ý
Tại cuộc họp, ông Bùi Sỹ Lợi - Phó Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, đã ghi nhận và đồng tình các ý kiến đóng góp tại Hội thảo. Ngoài ra, trước khi lao động xuất cảnh, các đơn vị cần lưu ý đào tạo về phong tục tập quán nơi nước tiếp nhận lao động để người lao động nắm bắt.
Theo ông Lợi, ngoài sứ mệnh đưa người lao động sang nước ngoài làm việc, các doanh nghiệp cần chú trọng việc phát triển nguồn nhân lực, tăng thu nhập cho người lao động.
Với những kiến thức tích lũy của mình trong thời gian xuất khẩu lao động tại nước ngoài thì khi trở về nước, họ tiếp tục xây dựng quê hương đất nước.

Theo Báo Dân trí
Link tham khảo: https://bit.ly/2ZtSnqx

các tin khác